Đánh bằng trấu và cát
thì xoong nhanh mòn, lại không bóng, đánh bằng tro bếp, lâu một tí nhưng
nồi không bị mòn mà lại bóng.
Ở
tuổi ngoài 80, cao lớn, khỏe mạnh nhưng bị nặng tai. Trí nhớ còn khá
minh mẫn, ông bồi hồi nhớ lại từng chi tiết thời gian được nấu ăn phục
vụ Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Phủ Chủ tịch. Tên ông là
Đặng Văn Lơ.
Phục vụ việc nấu ăn cho Bác từ năm 1960
đến ngày Bác qua đời (1969) có ông Đinh Văn Cẩn và ông, trong đó ông Cẩn
được phân công làm bếp chính của Bác, ông là bếp chính của Thủ tướng
Phạm Văn Đồng. Nhưng vì Bác Hồ và bác Phạm Văn Đồng ở cùng một nơi, ăn
cùng một chỗ, ngồi cùng một mâm, nên hai ông thay phiên nhau phục vụ cả
hai người.
Ông Lơ kể, nhà ông rất nghèo, chỉ học
đến lớp 3 rồi vào bộ đội, trung đoàn 15, đại đội 421 đóng quân ở chợ
Chu. Từ năm 1949, tin tuc có nhiều cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam, vì vậy
một số bộ đội được chọn đi học nấu món ăn Trung Quốc. Tổng cộng có 150
người, nhưng ông là một trong những học viên xuất sắc nhất, thường xuyên
được nấu tiêu chuẩn đặc táo (tức là trên cả trung táo và tiểu táo).
Lý do ông được nhận vinh dự cao quý này
là trong thời gian từ năm 1953-1954, Bác Hồ thường sang Đồi cố vấn làm
việc với các chuyên gia. Ông Cẩn mượn bếp của ông để nấu cơm cho Bác.
Thấy ông là người chăm chỉ, thật thà lại khỏe mạnh, nấu ăn ngon nên ông
Cẩn chú ý. Kháng chiến thành công, Trung ương về Hà Nội, ông Cẩn đã giới
thiệu ông và được chấp nhận.
Ông kể: “Ông Cẩn được Pháp đào tạo,
nấu giỏi cả cơm Tây lẫn cơm Việt, tôi coi là bậc thầy. Anh em thường
xuyên trao đổi nên sau này các món ăn Tây, Tàu, Việt cả hai đều thạo cả.
Hai chúng tôi thay nhau phục vụ, khi tôi làm thì ông Cẩn nghỉ và ngược
lại. Hàng ngày, người phục vụ đứng bên này ao, trông sang nhà sàn của
Bác, nếu nghe tiếng chuông leng keng sẽ xuống bếp báo chúng tôi chuẩn
bị.
Buổi sáng Bác ăn lúc 6h, trưa ăn lúc
10 rưỡi, còn chiều ăn vào lúc 17h30. Bác Đồng làm việc bên ngoài nếu về
kịp thì ăn cùng, còn bận đi tiếp khách thì Bác ăn một mình. Các món ăn
thay đổi luôn cho ngon miệng, nhưng thường thì bữa sáng Bác dùng cà phê
đen, với bánh ngọt giống như bánh patêsô bây giờ. Có hôm Bác đổi sang
xúc xích chấm mù tạt hoặc bánh mì trứng ốp la.
10h Bác uống một ly nước sâm, 10h30
thì ăn trưa. Đến 2h chiều Bác uống một cốc cà phê sữa, 4h lại uống 1 ly
nước sâm, rồi 5h30 chiều thì ăn cơm. 8h tối Bác uống thêm một cốc cà phê
sữa nữa, chỉ thế thôi.
Bữa cơm của Bác giản dị lắm, món ăn
chính chỉ có 3 món: canh, rau, thịt (hoặc cá), ăn xong tráng miệng bằng
một quả táo nướng. Đây là loại táo Trung Quốc, đem bổ đôi, bỏ ruột,
nướng xém, phết một ít đường và bơ, Bác cầm chiếc thìa nhỏ xúc ăn.”
Bác ăn rất đúng giờ, luôn dặn người phục
vụ chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí. Khi ăn, món nào không
ăn hết, Bác trở đầu đũa để riêng, bảo cất đi, đến chiều làm nóng lại
cho Bác ăn tiếp.
Ông Lơ kể tiếp: “Chúng tôi muốn Bác
ăn được nhiều, nên múc một bát súp lớn, nhưng Bác sẻ lại một nửa. Sau
chúng tôi rút xuống 1/3 bát thì Bác ăn hết. Biết thói quen của Bác nên
mâm cơm bao giờ chúng tôi cũng bày thêm một miếng cháy nhỏ. Hai anh em
thường xuyên trao đổi với nhau, để kịp thời điều chỉnh. Tiêu chuẩn là
phải vệ sinh, tinh khiết, chất lượng.”
Thực phẩm hàng ngày được ô tô đưa đến
tận nơi, đựng trong một chiếc hòm bằng gỗ, đề số 401. Bên trong có 2 hộp
nhôm để riêng hàng chín và hàng tươi sống kèm theo hóa đơn, cuối tháng
thì thanh toán một lần.
Cơ bản thì hai bác ăn như nhau, nhưng
buổi sáng bác Phạm Văn Đồng thích ăn các món vặt mỗi thứ một tí: 2 quả
chà là, cốc nước chè tươi, một ca nhỏ cháo vừng đen. Hôm thì ăn miếng
phomat kèm vài miếng đu đủ. Bữa chính thì bác Đồng thường ăn thêm khoai
lang, 2 miếng đậu rán non và mấy nhánh tỏi.
Ông Lơ bật mí về công tác an ninh, an
toàn thực phẩm phục vụ hai bác. Người phục vụ thường xuyên được kiểm tra
sức khỏe, nhắc nhở cắt móng tay, quần áo phải luôn sạch sẽ. Hàng ngày
cứ trước giờ ăn 1 tiếng, an ninh đến lấy mẫu thức ăn mang về xét nghiệm.
Nếu không vấn đề gì thì thôi, nếu có họ sẽ gọi điện sang. Ông Lơ tự hào
nói: “Nhưng trong từng ấy năm, chưa bao giờ chúng tôi bị gọi “gọi điện” cả.”
Những hôm Bác có khách là chuyên gia
nước ngoài, hay anh hùng, chiến sĩ thi đua thì hai ông khá bận rộn vì
chỉ có hai người tự tay nấu tất cả các món ăn. Ông Lơ làm thêm bánh bao,
tráng bánh cuốn, ông Cẩn làm bánh mỳ. Khi nào Bác họp với Bộ Chính trị,
các ông cũng phục vụ luôn, lúc thì bánh cuốn, bánh giò, lúc thì cháo cá
quả, mì vằn thắn, phở… Ngay cả khi có khách, Bác đều dặn kỹ chúng tôi
có bao nhiêu người, chỉ làm vừa đủ, không được làm thừa, lãng phí.
Ông Lơ tự hào kể, phục vụ Bác 9 năm
trời, có 2 lần ông được Bác hỏi chuyện riêng. “Một lần tôi đi chăn bò về
thì gặp Bác. Bác ra hiệu cho tôi dừng lại hỏi, chú đông con lắm phải
không? Tôi thưa vâng. Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình thế nào, tôi không
dám thưa kỹ, nhưng Bác biết. Vài hôm sau thấy ông Vũ Kỳ mang chăn, áo
len xuống bảo Bác cho tôi để gửi về nhà.
Lần khác tôi ngồi ở bờ ao, bấy giờ chưa
kè đẹp như bây giờ đâu, đánh xoong nồi bằng trấu và cát. Bác đi bộ qua
thấy, dừng lại hỏi chú đánh nồi bằng cái gì thế? Tôi thật thà thưa. Bác
bảo, đánh bằng trấu và cát thì xoong nhanh mòn, lại không bóng, chú chịu
khó đánh bằng tro bếp, nó lâu một tí nhưng nồi không bị mòn mà lại
bóng. Ấy là Bác dạy tôi đức tính tiết kiệm.”
Những khi Bác đi công tác, hai ông xếp sẵn thức ăn vào cặp lồng. Đến trưa thì trải một tấm ni lông ra bày thức ăn lên. Bác không cho địa phương làm cơm, vì Bác bảo tiếp một mình Bác mà bày cỗ bàn linh đình sẽ tốn kém của dân của nước!
Món ăn Bác thích là thịt mỡ kho, nhưng
vì tuổi Bác đã cao, nên các bác sĩ không đồng ý. Hai ông chỉ dám lọc
thịt mỡ ra, cho vào miếng vải màn, ép thành nước, tẩm ướp với thịt nạc
rồi đem kho, nhưng mỗi bữa cũng chỉ 2 miếng nhỏ thôi. Mỗi khi ăn xong,
Bác đều xếp lại bát đũa gọn gàng, phục vụ chỉ việc bê đi.
Vui nhất là bữa cơm tất niên, mỗi năm
hai bác ăn với anh em phục vụ vào ngày 28 hoặc 29 Tết. Bác ân cần bảo,
anh em vất vả quanh năm, bữa cơm này phải ăn thật khỏe, thật nhiều, ăn
cho hết nhé.
Chúng tôi hỏi, được phục vụ gần Bác lâu
như vậy, điều gì ông rút ra cho mình từ tấm gương của Bác? Ông Lơ nói
ngay: Thường xuyên vận động. Bác Hồ đi bộ rất đều, ăn uống điều độ, đúng
giờ. Bác luôn quan tâm đến mọi người, sống giản dị, tình cảm chân thật.
“Những hôm trời mưa, chúng tôi định mang cơm lên nhà sàn, Bác trông thấy bắt bê về, rồi Bác tự xắn quần đi xuống nhà ăn.” Ông Lơ xúc động nhớ lại.
Sau ngày Bác mất một thời gian, ông Đinh
Văn Cẩn cũng qua đời. Ông Lơ tiếp tục phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng
đến năm 1988 thì hết tuổi, tổng cộng ông nấu ăn trong Phủ Chủ tịch 28
năm 6 tháng. Ông được ưu tiên sang Trung Quốc làm đầu bếp tại Đại sứ
quán Việt Nam 3 năm nữa thì về hưu. Hiện ông đang sống tại Hà Nội.
Cách đây không lâu, ông đã “biểu diễn”
lại một số món ăn mình từng phục vụ Bác Hồ cho một nhóm cán bộ chiến sĩ,
trong đó có thiếu tướng Phạm Sơn Dương là con trai cố Thủ tướng Phạm
Văn Đồng.
Cách làm một số món ăn phục vụ Bác Hồ của ông Đặng Văn Lơ
Gà rán Quảng Đông: Gà nhỏ 7-8 lạng, pha
nước 3 sôi 2 lạnh, rửa sạch gà, thả vào nồi rồi mới vặt lông. Để ráo,
ướp xì dầu trong ngoài đầy đủ. Trước khi ăn, cho vào chảo mỡ ngập, rán
vàng hết hai mặt, khi chặt ra trong xương gà còn hơi hồng hồng.
Gà luộc Quảng Đông: Gà nhỏ 7-8 lạng, rửa
gà, cho vào nước 3 sôi 2 lạnh. Vặt lông, để ráo, rắc muối gia vị lên
con gà sau đó luộc đến độ sôi khoảng 80 độ thì bắc ra, để nguyên trong
nồi 15 phút. Sau đó cho con gà đã luộc vào nồi nước thật lạnh, để 15
phút nữa. Khi chặt thịt bên trong vẫn còn nước hơi hồng hồng, như thế
khi ăn thịt sẽ mềm và da gà vẫn giòn. Thái vát, bỏ xương, lấy nước dùng,
pha thêm ít mì chính là ăn.
Cá bống kho tộ: bống sông rửa sạch, lấy
khăn thấm khô, ướp gia vị, rồi tưới nước màu (nước hàng) lên. Sau đó cho
vào nồi đất, có nước dùng gà xâm xấp, đun sôi đến chín, rồi để nhỏ lửa,
khoảng 60 độ, chờ cá săn lại là được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét