Liên Kết Ngoài

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Những cuộc gọi dụ người có tiền vào 'hồn trận'

Tội phạm lừa đảo qua điện thoại từng bước một đẩy nạn nhân vào "mê hồn trận", rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, mất tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng hướng dẫn như một cái máy. 
Tin nhanh       
 
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) cho hay từ đầu năm đến nay đã có 45 lá đơn kêu cứu của người dân phản ánh bị chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng bởi các cuộc gọi giả danh. Các vụ việc có điểm chung chủ mưu đều là người nước ngoài song móc nối với người trong nước để thực hiện hành vi phạm tội.

Mới đây, chị Dung ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trình báo bị lừa hơn 5 tỷ đồng. Theo chị, sự việc bắt đầu từ một cuộc gọi đến máy điện thoại bàn, đầu dây bên kia nhận là thiếu úy Nguyễn Văn Hùng, thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM. Người này thông báo chị có liên quan một vụ án đang giải quyết tại TP HCM.

Lẽ tất nhiên, chị Dung "giãy nảy" và tỏ ý nghi ngờ. "Thiếu uý" Hùng liền hướng dẫn chị kiểm tra số điện thoại đang liên lạc qua tổng đài. Làm theo hướng dẫn, chị được xác thực đó là số máy cơ quan công an. Tiếp theo Hùng gọi lại, thông báo rằng chị bị nghi vấn tham gia đường dây rửa tiền từ hoạt động buôn bán ma túy, vì cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều tài khoản cá nhân được lập với chứng minh thư của chị.

Để chứng minh sự trong sạch, người này yêu cầu chị phải hợp tác điều tra bằng cách khai báo rõ số tài khoản đang sử dụng, đồng thời rút toàn bộ số tiền đang gửi ở các ngân hàng để chuyển vào tài khoản của cơ quan công an phục vụ việc xác minh nguồn gốc.

Quá bất ngờ và sợ hãi, chỉ trong một ngày, chị Dung đã đến ngân hàng rút 5,4 tỷ đồng rồi chuyển khoản theo hướng dẫn. Chị chỉ nhận ra việc bị lừa khi không thấy "cơ quan điều tra" trả lại số tiền đã chuyển.

Chị Hoa ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng bị lừa với chiêu tương tự, cay đắng hơn ngay khi hoàn thành thao tác chuyển tiền qua tài khoản, giật mình nhận ra có thể đã bị lừa, chị liền đến cơ quan công an trình báo, rồi đi cùng cán bộ ra ngân hàng đề nghị phong tỏa tạm thời tài khoản của mình (để ngăn chặn việc rút tiền). Tuy nhiên, nhân viên nhà băng này vẫn máy móc yêu cầu phải có công văn của cơ quan điều tra mới thực hiện yêu cầu. Vì thế mà số tiền 100 triệu đồng của chị vẫn được chuyển đến tay bọn tội phạm.


Cảnh sát Phòng PC50 bắt giữ nghi can lừa đảo qua điện thoại.


Trung tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng Phòng PC50 cho hay gần đây tội phạm lừa đảo qua điện thoại gia tăng trở lại. Thủ đoạn của chúng bản chất là "liên hoàn kế" bằng việc chủ động tạo lý do khiến người dân phải giữ liên lạc với mình, rồi từng bước dẫn dụ "sập bẫy" một cách lắt léo và tinh vi.

Qua nhiều vụ án cho thấy, đầu tiên chúng gọi đến máy cố định, xưng danh là nhân viên của "tổng đài VNPT" rồi thông báo họ đang nợ tiền cước điện thoại. Việc thắc mắc chắc chắn sẽ xảy ra, chúng liền hướng dẫn họ khiếu nại bằng cách ấn phím gọi cho "tổng đài".

Làm theo hướng dẫn, nạn nhân được thông báo rằng đang đứng tên một thuê bao điện thoại khác ở đâu đó, và thuê bao này hiện chưa thanh toán tiền cước. "Tổng đài" ghi nhận những thắc mắc của người dùng và hứa sẽ giúp họ xác minh, nhưng phải cung cấp thông tin cá nhân (như tên tuổi, địa chỉ, số CMND) để đối chiếu. Để chứng minh sự "oan uổng" của mình, nhiều người sốt ruột liền khai "tuốt tuột" mọi thông tin mà chúng yêu cầu. Bước đi đầu tiên trong vụ lừa như thế là xong.

Tiếp theo, chúng cử tên khác trong ổ nhóm gọi điện lại, xưng danh là cán bộ công an, Viện kiểm sát hoặc Tòa án ở tỉnh nào đó, rồi thông báo rằng họ bị nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền, hoặc tham nhũng...

Vì vậy, để phục vụ yêu cầu điều tra, họ phải hợp tác bằng cách khai rõ hiện có những khoản tiền đang gửi ở đâu, yêu cầu rút về nộp cho "cơ quan pháp luật" bằng cách gửi vào tài khoản mà chúng cho sẵn. "Cơ quan pháp luật" sẽ xác minh, nếu không liên quan thì sẽ hoàn trả tiền trong khoảng 1 đến 2 ngày. Trong quá trình "hợp tác điều tra", cấm nói cho ai kể cả người thân biết và phải luôn để máy "thông".

Nếu không chịu hợp tác và làm theo hướng dẫn sẽ bị xử lý về hình sự. Để khiến bị hại thực sự lo lắng, chúng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Các nạn nhân đều kiểm tra và tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan nội chính. Kỳ thực, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại (giống hệt số máy của các cơ quan chức năng). Vì thế mà nhiều người đã ngoan ngoãn làm theo hướng dẫn. Họ chỉ phát hiện ra việc mình bị lừa khi đã chuyển hết tiền vào tài khoản của bọn chúng.

Cảnh sát cũng phải thừa nhận rằng "kịch bản" mà nhóm tội phạm đưa ra khá hoàn hảo và khả năng diễn xuất rất "lão luyện". Cách mà chúng "rê dắt" bị hại vào câu chuyện của mình rất hợp lý. Chứng tỏ sự am hiểu sâu sắc về tâm lý con người. Từng bước một, chúng đẩy họ vào "mê hồn trận" không lối ra, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý, đẩy nạn nhân lâm vào tình trạng sợ hãi, mất tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng hướng dẫn như một cái máy.

"Nếu gây án ở Việt Nam thì tổng đài chúng đặt ở nước ngoài. Nếu người bị hại ở miền Bắc thì chúng mạo danh là cán bộ các cơ quan pháp luật ở trong Nam và ngược lại. Mục đích để gây khó khăn cho việc xác minh thực hư câu chuyện, chỉ còn cách gọi điện kiểm tra, mà số điện thoại chúng cung cấp là "fake" - (giả) qua thao tác trên phần mềm giả lập số điện thoại", trung tá Hà nói.

Trung úy Trịnh Công Anh (trinh sát Phòng PC50) giải thích rằng, về mặt kỹ thuật, những cuộc gọi dạng này đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam, qua kết nối VoIP - một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP. Để điều tra làm rõ một vụ lừa đảo qua điện thoại tốn rất nhiều công sức và thường chỉ bắt được nghi can ở trong nước, vì kẻ chủ mưu cầm đầu vẫn ở nước ngoài. Khả năng thu hồi tiền cũng khó khăn vì làm xong vụ nào, chúng đều chuyển tiền vào các tài khoản nước ngoài. Những người giúp sức chỉ được "hớt váng" không đáng kể. suc khoe doi song

Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng PC50 cho biết, để vô hiệu hóa trò lừa đảo này không mấy khó khăn. Vấn đề chỉ là ý thức cảnh giác của người dân chưa cao, còn quá nhẹ dạ cả tin. "Điều đầu tiên cần biết là tất cả số điện thoại "fake" - (giả lập) theo số máy của cơ quan chức năng, đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua Internet", thượng tá An nói. 

Ông khuyến cáo, nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Bởi vậy, khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ. Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn (như bấm phím số trên máy điện thoại…), không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ.

Thượng tá An cho hay: "Nên nhớ cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là bọn lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội".

* Tên nạn nhân đã được thay đổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét